Ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất năm 2024
Xu hướng ngành công nghệ

Ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất năm 2024

LT
Lê Thị Quỳnh Nhi
Xuất bản 10/22/2024・Cập nhật 10/22/2024

Lập trình đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển những phần mềm và ứng dụng mà chúng ta sử dụng hiện nay. Ngôn ngữ lập trình khá đa dạng với nhiều loại ngôn ngữ từ cổ xưa đến hiện đại. Trước khi trở thành một lập trình viên, người học cần nắm rõ tính chất và chức năng của từng ngôn ngữ. Việc này giúp họ đưa ra lựa chọn phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của mình. 

Cùng Onschool Bootcamp theo dõi bài viết này để hiểu rõ hơn về những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay cũng như tìm hiểu thêm về các ngôn ngữ ít được sử dụng trong lập trình.

Top 5 ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay

Thế giới lập trình luôn không ngừng thay đổi, nhưng một số ngôn ngữ vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu. 

Theo Statistics, 5 ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất thế giới 2024 gồm có: JavaScript, HTML/CSS, Python, SQL, TypeScript.

ngon-ngu-lap-trinh-pho-bien-nhat-1.jpg

Tuy nhiên, theo khảo sát của TopDev, ngành lập trình tại Việt Nam lại đang “khát” nhân sự về các ngôn ngữ Javascript, Java, PHP, C#/.Net và Python.

ngon-ngu-lap-trinh-pho-bien-nhat-2.jpg

Dưới đây là những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay và được nhiều nhà phát triển ưa chuộng, không chỉ tại Việt Nam mà trên toàn cầu.

Python

Được cho ra đời vào năm 1991 bởi Guido van Rossum, Python là ngôn ngữ lập trình phổ biến cấp cao khá nổi tiếng trong lập trình web, khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo,... 

Cú pháp của ngôn ngữ này khá giống với tiếng Anh nên được đánh giá là khá dễ học đối với những người mới. Python là ngôn ngữ linh hoạt. Nó loại bỏ những lỗi cấp thấp, giúp lập trình viên tập trung hoàn toàn vào việc xử lý những vấn đề phức tạp.

Các tính năng nổi bật:

  • Dễ đọc, dễ học
  • Thư viện và framework đa dạng
  • Năng động
  • Tự động quản lý bộ nhớ

Hiện nay, mức thu nhập trung bình của lập trình viên Python tại Việt Nam dao động trong khoảng $1.311/tháng.

JavaScript

Là ngôn ngữ được phát triển dựa trên ngôn ngữ C, có tiền thân là Mocha, sau đó đổi tên thành LiveScript và cuối cùng là JavaScript. Năm 1995, Brendan Eich đã phát triển JavaScript với mục đích tăng tính tương tác cho các trang web. Dù là một ngôn ngữ dễ học nhưng JavaScript rất rộng, để có thể hiểu hết thì lập trình viên cần rất nhiều thời gian. 

Các tính năng nổi bật:

  • Động và linh hoạt
  • Hướng đối tượng
  • Thư viện và framework phong phú
  • Khả năng mở rộng
  • Hỗ trợ cho DOM

Thu nhập trung bình của lập trình viên JavaScript tại Việt Nam hiện nay dao động trong khoảng $1.222/tháng.

ngon-ngu-lap-trinh-pho-bien-nhat-3.jpg
Python và JavaScript luôn nằm trong top “con cưng" của các lập trình viên

TypeScript

TypeScript là ngôn ngữ lập trình được Microsoft phát triển vào năm 2012. Dựa trên ngôn ngữ Javascript, TypeScript được mở rộng nhằm tăng độ an toàn và hạn chế lỗi cho lập trình viên, giúp quá trình chạy chương trình trở nên mượt mà hơn bằng cách phát hiện lỗi ở giai đoạn biên dịch. Đây cũng là ưu điểm giúp cho TypeScript luôn nằm trong danh sách các ngôn ngữ lập trình phổ biến.

Các tính năng nổi bật:

  • Kiểu dữ liệu tĩnh 
  • Lập trình hướng đối tượng
  • Tương thích với JavaScript
  • Decorators
  • Kiểm tra chặt chẽ

Java

Java là ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng được chính thức phát hành vào năm 1994 bởi James Gosling. Java được đưa vào danh sách này bởi tính linh hoạt của nó trong lập trình web. Cú pháp của Java khá giống với C và C++ nên lập trình viên có thể dễ dàng đổi sang Java từ ngôn ngữ khác. Bên cạnh đó, Java cũng là ngôn ngữ đa nền tảng khi nó có thể chạy tốt nên mọi nền tảng khác nhau. 

Mức lương lập trình viên Java tại Việt Nam hiện nay dao động trong khoảng $1.283/tháng.

C#

C# (C-Sharp) là ngôn ngữ lập trình nằm trong top những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay được Microsoft giới thiệu lần đầu vào năm 2000. Đây là một phần của nền tảng ngôn ngữ .NET, được sử dụng để phát triển ứng dụng cho Windows, website và game. C# được ưa chuộng trong nhiều lĩnh vực bởi thiết kế đơn giản nhưng lại có tính chất mạnh mẽ và linh hoạt.

Các tính năng nổi bật:

  • Hướng đối tượng
  • Quản lý bộ nhớ tự động
  • Xử lý ngoại lệ
  • Hỗ trợ lập trình hàm
  • Cộng đồng hỗ trợ lớn

Mức thu nhập trung bình lập trình viên C# tại Việt Nam hiện nay dao động trong khoảng $1.188/tháng.

Những ngôn ngữ lập trình có tính ổn định cao

*Tính ổn định trong ngôn ngữ lập trình dùng để chỉ khả năng tồn tại lâu dài, không bị lạc hậu dù qua thời gian của các ngôn ngữ.

Swift

Swift là ngôn ngữ lập trình hướng đối tượng dùng để phát triển các ứng dụng iOS và macOS, watchOS, tvOS và z/OS. Ra đời vào năm 2014, nhà Apple hướng Swift như một sự thay thế cho Objective-C. Dù cũng nằm trong danh sách em út nhà ngôn ngữ lập trình nhưng Swift vẫn được giới lập trình viên cho vào danh sách ưu tiên bởi cú pháp đơn giản và tính bảo mật cao.

Kotlin

Xuất hiện lần đầu vào năm 2011 nhưng đến năm 2018, Kotlin mới chính thức trở thành  phiên bản ổn định dưới bàn tay của JetBrains. Kotlin là ngôn ngữ lập trình tĩnh xây dựng dựa trên ngôn ngữ Java và được dùng để phát triển phần mềm cho Android. Trên thực tế, trong năm 2024, trên toàn cầu đã có 5,8 triệu lập trình viên sử dụng ngôn ngữ này. Kotlin dễ sử dụng bởi cú pháp đơn giản, tính bảo mật cao và hạn chế lỗi tối đa. 

Tính ổn định của Kotlin được duy trì nhờ khả năng tương thích.

Rust 

Rust là ngôn ngữ lập trình được phát triển bởi Grayden Hoare vào năm 2006. Được thiết kế để tăng cường hiệu suất và đảm bảo an toàn, Rust nổi bật với các tính năng như: An toàn bộ nhớ, hiệu suất, tính đồng thời, hệ sinh thái mạnh mẽ, cộng đồng hỗ trợ lớn.

Rust đang ngày càng phổ biến trong giới lập trình bởi đặc tính an toàn cao, hầu như không bao giờ bị lỗi crash (lỗi văng ra khi đang sử dụng ứng dụng). Ngôn ngữ này được sử dụng để xây dựng các website và hệ thống một cách hiệu quả hơn.

ngon-ngu-lap-trinh-pho-bien-nhat-4.jpg
Sự ổn định của ngôn ngữ lập trình được đánh giá dựa trên tính bền vững đối với sản phẩm

Go

Go là ngôn ngữ lập trình thuộc Google, được phát triển bởi Robert Griesemer, Rob Pike và Ken Thompson vào năm 2007. Đến năm 2009 ngôn ngữ này mới chính thức được ra mắt. Go nổi bật với hiệu suất cao, cú pháp đơn giản và khả năng xử lý đồng thời mạnh mẽ. Ngôn ngữ này cho phép lập trình viên dễ dàng xây dựng các ứng dụng web. Go đã nhanh chóng trở thành một lựa chọn hàng đầu trong lĩnh vực phát triển phần mềm, đặc biệt là trong các ứng dụng cần hiệu suất và độ tin cậy cao.

PHP

PHP (Hypertext Preprocessor) là một ngôn ngữ lập trình kịch bản phổ biến. Được phát triển bởi Rasmus Lefdorf từ giữa những năm 1995, PHP chủ yếu dành cho phát triển ứng dụng web động. Với cú pháp đơn giản và khả năng tích hợp dễ dàng, PHP trở thành lựa chọn hàng đầu cho nhiều lập trình viên trong việc xây dựng các trang web. Hơn hết, PHP còn có một cộng đồng hỗ trợ lớn và nguồn tài liệu phong phú. 

Những ngôn ngữ lập trình ít được ưa chuộng

Trong thế giới công nghệ biến đổi từng ngày, mức độ phổ biến của một ngôn ngữ lập trình phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  1. Xu hướng thị trường: Ngôn ngữ nào phù hợp với các dự án "hot" và công nghệ mới.
  2. Cộng đồng: Liệu cộng đồng lập trình viên có đông đảo và hỗ trợ tốt không.
  3. Thư viện và framework: Có nhiều công cụ giúp phát triển nhanh và dễ dàng hơn hay không.
  4. Hiệu năng: Tốc độ thực thi, khả năng sử dụng tài nguyên ra sao.

Dù có thời kỳ từng được săn đón, nhưng dưới đây là một số ngôn ngữ lập trình đã mất dần sức hút và ít được sử dụng trong các dự án hiện nay.

Zephyr

Zephyr thực chất là một hệ điều hành nhỏ được phát triển bởi Quỹ Linux và Hệ thống Wind River, phát hành vào năm 2016. Zephyr không có tính linh hoạt bởi nó chỉ sử dụng cho một số phần cứng nhất định. Thay vì xử lý các tác vụ lập trình chung, Zephyr chỉ tập trung tính năng của mình vào các hệ thống nhúng. Điều này khiến nó trở nên “vô hiệu” đối với các lĩnh vực lập trình khác như web hay ứng dụng di động. 

Prolog

Prolog là ngôn ngữ lập trình logic được thiết kế bởi Alain Colmerauer và Robert Kowalski. Nó bắt đầu xuất hiện vào năm 1972 với chức năng chủ yếu là giải quyết những bài toán đơn giản liên quan đến đối tượng và mối quan hệ giữa chúng. 

Prolog không được ưa chuộng bởi cú pháp của nó khá phức tạp và khó học. Các công cụ dùng để phát triển ngôn ngữ này cũng bị hạn chế. Tuy vậy, Prolog khá “nổi tiếng" trong giới ngôn ngữ lập trình logic, nắm vị trí khá vững trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo.

Apex

Ngôn ngữ lập trình Apex là ngôn ngữ dùng để xây dựng ứng dụng trên nền tảng Salesforce - nơi sản sinh ra nó. Cũng chính vì điều này mà khả năng áp dụng của Apex bị giới hạn đối với những nền tảng khác. Mặc dù cú pháp của nó khá giống với Java nhưng nhược điểm này khiến Apex trở nên “lép vế". 

Bên cạnh đó, mặc dù cung cấp công cụ phát triển nhưng việc triển khai và quản lý mã trong môi trường Salesforce có thể phức tạp hơn so với việc phát triển ứng dụng độc lập.

ngon-ngu-lap-trinh-pho-bien-nhat-5.jpg
Những ngôn ngữ ít được ưa chuộng thường có cú pháp phức tạp 

Fortran

Đây là một trong những ngôn ngữ lập trình lâu đời nhất, được John Backus phát triển vào những năm 1950. Fortran (Formula Translation) chủ yếu được sử dụng cho các tính toán khoa học và kỹ thuật. Cũng bởi vì tuổi thọ cao nên ngôn ngữ này có phần hơi lỗi thời so với Python, C# hay Java. Fortran cũng sở hữu một cú pháp khó hiểu gây nên khó khăn trong quá trình học. Nó cũng vô hiệu đối với phát triển web, ứng dụng di động hoặc các lĩnh vực lập trình khác.

Nim

Nim là ngôn ngữ lập trình cấp cao khá mới mẻ trong lập trình khi chỉ mới được ra mắt vào năm 2018 bởi Andreas Rumpf. Lý do mà Nim không nằm trong danh sách những ngôn ngữ lập trình phổ biến nhất hiện nay là vì tính mới mẻ của nó. Nim phải cạnh tranh với khá nhiều ngôn ngữ đã có vị thế trên thị trường trong khi tính năng của nó không có gì nổi trội hơn. Công cụ phát triển của ngôn ngữ này chưa đủ mạnh mẽ và chưa có tính linh hoạt, gây nên khó khăn cho lập trình viên trong quá trình xử lý các thuật toán.  

Nên chọn ngôn ngữ lập trình nào: Yêu thích hay ổn định?

Khi chọn ngôn ngữ lập trình cho dự án, bạn thường phải quyết định giữa hai yếu tố: ngôn ngữ được nhiều người ưa chuộng (hay còn gọi là ngôn ngữ "hot") và ngôn ngữ ổn định, đã có mặt trên thị trường lâu năm. Việc chọn ngôn ngữ nào sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, ví dụ như 3 yếu tố dưới đây.

Mục tiêu của dự án

  • Đổi mới: Nếu bạn muốn tạo ra một sản phẩm thật độc đáo, có nhiều tính năng mới lạ, thì những ngôn ngữ "hot" thường là lựa chọn tốt. Tuy nhiên, bạn cũng cần chuẩn bị tinh thần cho việc học hỏi những công nghệ mới và có thể gặp phải một số rủi ro nhất định.
  • Ổn định: Nếu ưu tiên sự ổn định và tin cậy, các ngôn ngữ đã được sử dụng rộng rãi trong nhiều năm sẽ là lựa chọn an toàn hơn. Bạn sẽ có nhiều tài liệu tham khảo, cộng đồng hỗ trợ lớn và ít gặp phải các vấn đề bất ngờ.

Quy mô và nguồn lực dự án

  • Dự án lớn: Với các dự án lớn, phức tạp, việc tìm kiếm lập trình viên có kinh nghiệm với ngôn ngữ ổn định sẽ dễ dàng hơn. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
  • Nguồn lực hạn chế: Nếu bạn có nguồn lực hạn chế, việc chọn một ngôn ngữ phổ biến sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm sự trợ giúp từ cộng đồng.

Yêu cầu cụ thể của dự án

Ví dụ như nếu bạn cần lập trình app di động, Swift và Kotlin sẽ là hai lựa chọn phổ biến cho việc phát triển ứng dụng trên iOS và Android, vì chúng được thiết kế tối ưu cho nền tảng di động và có hiệu suất cao.

Tóm lại, việc chọn ngôn ngữ lập trình không chỉ đơn thuần là sở thích cá nhân mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố này để đưa ra quyết định phù hợp nhất cho dự án của mình.

Các câu hỏi thường gặp về ngôn ngữ lập trình

1. Ngôn ngữ lập trình nào được ưa chuộng tại Việt Nam?

Theo báo cáo VIETNAM IT & TECH TALENT LANDSCAPE 2024-2025 của TopDev, JavaScript là ngôn ngữ được các lập trình viên yêu thích nhất. Tiếp sau đó là Bun - tân binh mới được giới thiệu vào năm 2023. Bun đã nhanh chóng trở thành hiện tượng thu hút nhiều người dùng và lọt vào top 3 ngôn ngữ phổ biến, đẩy ReactJS xuống một bậc. 

ngon-ngu-lap-trinh-pho-bien-nhat-6.jpg
JavaScript giữ vị trí khá cao và vững chắc trong giới lập trình

2. Tại sao có một số ngôn ngữ lập trình không được ưa chuộng?

Mỗi ngôn ngữ sẽ có nhược điểm khác nhau. Tuy nhiên, các ngôn ngữ lập trình ít được sử dụng thường có cú pháp lạc hậu, thư viện hạn chế hoặc thiếu hỗ trợ cho các hệ thống hiện đại.

Ví dụ, Objective-C và Perl thường nhận được đánh giá không tốt vì cú pháp phức tạp và yêu cầu bảo trì nhiều. Điều này làm chúng trở nên kém hấp dẫn so với các ngôn ngữ mới hoặc các phiên bản cập nhật.

3. Những yếu tố nào làm cho một ngôn ngữ lập trình trở nên phổ biến đối với lập trình viên?

Sự dễ học, linh hoạt và hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng là những yếu tố quan trọng giúp ngôn ngữ lập trình trở nên phổ biến. 

Các ngôn ngữ như Swift, Kotlin và Python được yêu thích nhờ cung cấp thư viện mạnh mẽ, dễ tiếp cận và có nhiều tài nguyên học tập trực tuyến, chẳng hạn như trên Stack Overflow. Nhiều lập trình viên lựa chọn những ngôn ngữ này vì chúng có thể xử lý đa dạng các công việc, từ phát triển web đến phân tích dữ liệu.

4. Hệ điều hành ảnh hưởng như thế nào đến sự phổ biến của một ngôn ngữ lập trình?

Hệ điều hành đóng vai trò quan trọng trong việc định hình sự phổ biến của ngôn ngữ lập trình. Ví dụ như ngôn ngữ C được ưa chuộng vì khả năng tạo ra các ứng dụng cấp hệ thống hiệu quả của nó.

Tương tự, sự hỗ trợ của Microsoft đối với C# và Visual Basic trên nền tảng Windows đã giúp các ngôn ngữ này trở nên phổ biến trong phát triển ứng dụng máy tính và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ngoài hệ điều hành, những yếu tố như hỗ trợ cộng đồng, tài liệu học tập và nhu cầu thị trường việc làm cũng góp phần quyết định đến sự phổ biến của ngôn ngữ.

Tóm lại, sự đa dạng trong ngôn ngữ lập trình giúp lập trình viên có nhiều lựa chọn cách giải quyết vấn đề khác nhau. Cùng với sự phát triển liên tục của công nghệ, việc nắm rõ kiến thức về các ngôn ngữ giúp lập trình viên có những lựa chọn đúng đắn, từ đó rút ngắn được thời gian làm việc và tạo ra những sản phẩm hữu ích cho người dùng. 

Danh sách các ngôn ngữ lập trình phổ biến trên cho thấy nhu cầu sử dụng Python và C# ngày càng tăng, nhất là đối với người học lập trình từ con số 0. Nếu bạn đang có dự định chuyển ngành và lo lắng không biết nên chọn ngôn ngữ nào, hãy bắt đầu với 1 trong 2 lựa chọn này nhé! 

Bạn đã sẵn sàng đổi thay sự nghiệp chưa?

Onschool Bootcamp tự hào chỉ trong 120 ngày, đào tạo thế hệ lập trình viên kiến tạo thế giới số - bắt đầu từ con số 0

Đừng quên chia sẻ bài viết này!

facebook
linkedin
x
copy
Sao chép link

Đăng ký tư vấn

Các Chương trình Đào tạo tại Onschool Bootcamp

Fullstack java web developer
Fullstack javascript (Nodejs & reactjs web developer
Fullstack Python web developer
Fullstack PHP web developer
Cross-Platform Mobile App Development
phonezalomessenger